Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Hướng dẫn làm bài dự thi "Sáng mãi tên người Hồ Chí Minh"
Ngày cập nhật 07/04/2009

 Thực hiện kế hoạch của Đoàn Dân Chính Đảng Thừa Thiên Huế  về việc tổ chức cuộc thi tìm hiểu về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với chủ đề “Sáng mãi tên người Hồ Chí Minh”.  Ban chấp hành chi đoàn Thanh tra tỉnh hướng dẫn các nội dung cần trả lời như sau:

  Câu 1: 

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19 tháng 5 nǎm 1890 tại quê ngoại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nhà nho yêu nước.
Thân phụ là ông Nguyễn Sinh Sắc, sinh nǎm 1862 tại làng Kim Liên (tên nôm là làng Sen), Xã Chung Cự, Tổng Lâm Thịnh, Huyện Nam Đàn, Nghệ An. 
         Thân mẫu là bà Hoàng Thị Loan sinh nǎm 1868 tại làng Hoàng Trù (tên nôm là làng Chùa, nằm cách làng Sen khoảng 2 km), Xã Chung Cự, Tổng Lâm Thịnh, Huyện Nam Đàn, Nghệ An
            Ngày 5 tháng 6 năm 1911, từ Bến Nhà Rồng, Bác Hồ lấy tên Văn Ba, lên đường sang Pháp với nghề phụ bếp trên chiếc tàu buôn Đô đốc Latouche-Tréville.
            Ngày 28 tháng 1 năm 1941, Người về nước sau hơn 30 năm xa Tổ quốc. ở tại hang Cốc Bó, bản PácBó, tỉnh Cao Bằng.
Câu 2:Trong cuộc đời của mình, có hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đến sống trên đất Huế, đó là thời kỳ từ năm 1895 đến năm 1901, khi Người ở tuổi nhi đồng mang tên Nguyễn Sinh Cung (5-11 tuổi) Vào Huế, gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh thuê được một gian nhà nhỏ ở đường Đông Ba trong Thành Nội (nay là 112 - Mai Thúc Loan).
Và thời kỳ thứ 2 từ năm 1906 - 1909, khi Người đã ở tuổi thanh niên, mang tên Nguyễn Tất Thành (16 - 19 tuổi). Khoảng tháng 8.1906, gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh được cấp một gian nhà (gian thứ 19) trong dãy Thuộc viên của triều đình.
Năm 1898 Nguyễn Sinh Cung cùng anh theo cha về làng Dương Nỗ dạy học, ở tại nhà ông Nguyễn Sĩ Độ, bà Hoàng Thị Loan vẫn ở lại trong ngôi nhà Thành Nội.
Năm 1906 - 1908, Nguyễn Tất Thành học tại trường Pháp - Việt Đông Ba.
Năm 1908 - 1909, Nguyễn Tất Thành học tại trường Quốc Học.
Tháng 4.1908 Nguyễn Tất Thành tham gia phong trào chống thuế.
Tháng 7.1909, ông Nguyễn Sinh Sắc được thăng chức Tri huyện Bình Khê. Nguyễn Tất Thành cũng rời Huế đi dần vào phía Nam.
Câu 3: Tại Đại hội lần thứ IX, Đảng ta đã xác định những nội dung chính của Tư tưởng Hồ Chí Minh: Trong các văn kiện của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội IX của Đảng đã khẳng định nhiệm vụ "xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng". Đó chính là sự tiếp tục phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền trong điều kiện mới. Ngay từ buổi đầu được thành lập và trong suốt quá trình xây dựng, phát triển, Nhà nước ta đã mang những yếu tố của Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, gắn bó chặt chẽ và phục vụ lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Nhà nước đã từng bước thực hiện việc quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn đổi mới trong những năm qua đã khẳng định yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng như một xu thế khách quan, mang tính quy luật của quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng giao lưu và hợp tác với tất cả các nước trên thế giới trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Câu 4:
- Trong Thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tháng 9/1945, Người gửi gắm niềm tin tưởng của mình vào thế hệ trẻ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
 - Được viết trong bối cảnh: Những năm tháng trước Cách mạng tháng Tám 1945, trong hoàn cảnh "vận nước gian nan", Người đã đau lòng trước cảnh "Trẻ em cũng bị bận thân cực lòng/ Học hành, giáo dục đã không/ Nhà nghèo lại phải làm công, cày bừa/ Sức còn yếu, tuổi còn thơ/ Mà đã khó nhọc cũng như người già/ Có khi lìa mẹ, lìa cha/ Đi ăn ở với người ta bên ngoài...". Và mong muốn lớn của Bác lúc bấy giờ là "Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây/ Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng" … Bên cạnh đó chế độ thực dân cấu kết với phong kiến hạn chế GD và thực hiện GD nhồi sọ làm hư hỏng thanh niên nước ta. Chúng đã thi hành chính sách ngu dân đối với dân tộc Việt Nam làm cho hơn 90% dân ta mù chữ.
- Ý nghĩa quan trọng nhất trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là học chữ phải gắn liền với học làm người. Người lưu ý không tách rời mục đích dạy và học chữ với việc dạy và học làm người có ích cho đất nước. Nhà trường phải GD cho học sinh có tình yêu đất nước, thương nòi: “Dân ta phải biết Sử ta, Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Dạy học là dạy kiến thức, nhưng trước hết phải dạy cho học sinh biết yêu nước, thương nòi, tự hào về dân tộc, về tổ tiên. Bác nói: “Dốt nát cũng là kẻ địch”, “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, và “Cán bộ phải lấy văn hóa làm gốc”, vì “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội nhất định phải có học thức”. Đem kiến thức học được trong nhà trường phục vụ cho lợi ích của cộng đồng, lợi ích của cách mạng, chứ không chỉ dùng kiến thức ấy, bằng cấp ấy thu lợi cho riêng bản thân mình. Học phải đi đôi với hành. Không tách rời việc học chữ với lao động chân tay, không tách rời trí thức với quần chúng lao động. Có kiến thức là quý, nhưng chỉ thực sự quý khi kiến thức ấy phục vụ cho dân, cho nước
Câu 5:
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Đạo đức phải là cái “gốc” của người Cách mệnh. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới vấn đề đạo đức, nhất là đạo đức của người cán bộ cách mạng. Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cuốn “Sửa đổi lối làm việc”. Trong đó Người đã khẳng định: đạo đức là cái gốc của người cách mạng. Người nói: "Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Câu nói ngắn gọn nhưng súc tích, hàm chứa một ý nghĩa rất hết sức to lớn. Người muốn nhấn mạnh ý nghĩa của đạo đức cách mạng đối với mỗi cán bộ, đảng viên, với sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ta. Người coi trọng cả đức và tài, nhưng đức là “gốc". Tài phải lấy đức làm cơ sở. Nếu không có đức thì dù có tài giỏi mấy cũng không thể lãnh đạo được nhân dân. Quả thật như vậy, thực tiễn cách mạng Việt Nam trước đây và hiện nay đã chứng minh sự đúng đắn cho câu nói của Bác. Trước đây trong thời kỳ chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, chỉ có những cán bộ thật sự trung kiên, giữ vững lập trường quan điểm, trung với nước, với Đảng, hiếu với dân mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nhân dân, đồng chí, đồng đội tin yêu. Hiện nay, cán bộ không những chỉ có tài mà còn phải nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, không tham ô, tham nhũng, quan liêu... thì mới được nhân dân tin tưởng, nghe theo, tạo điều kiện cho cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Như vậy, đạo đức là cái quý nhất, là linh hồn của một con người, một chế độ, một xã hội, một nền văn minh. Đạo đức cách mạng là tiên đề tiên quyết, là giá trị thuộc về nhân cách của mỗi người, là sức mạnh để người cách mạng thực hiện lý tưởng, mục tiêu của mình.
 Khi nói về đạo đức, chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc với quan niệm đạo đức của chủ nghĩa Mác - Lênin. Tư tưởng đạo đức của Người rất phong phú, hàm súc, nhưng cái cốt lõi là tư tưởng trung với nước, với Đảng, hiếu với dân; là Nhân, nghĩa , Trí, Dũng, Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
          Theo Người, trung với nước, với Đảng là tự nguyện, tự giác suốt đời phấn đấu cho độc lập của Tổ quốc, tự do của nhân dân, xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa, biến lý tưởng cao đẹp của Đảng thành hiện thực, bất chấp mọi khó khăn, thử thách, kể cả sự hy sinh khi cần thiết. Hiếu với dân là phải tự coi mình là công bộc của dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Đảng ta từ nhân dân mà ra. Cán bộ, đảng viên là con em của nhân dân. Nếu không có nhân dân thì không có cách mạng, không có Đảng.
          Trong tám đức lớn: Nhân, Nghĩa , Trí, Dũng, Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Người viết:
 "Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Thiếu một mùa, thì không thành trời.
Thiếu một phương, thì không thành đất.
          Thiếu một đức, thì không thành người"
 (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 2000 t 5, tr 631)
 Cần là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai, là luôn luôn cố gắng, biết nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng của mình để làm việc lâu dài.
 Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi.
 Cần và Kiệm phải đi đôi với nhau như hai chân của một con người. Cần mà không Kiệm thì “làm chừng nào, xào chừng ấy". Kiệm mà không Cần thì không tăng thêm, không phát triển được. Muốn tiết kiệm có kết quả tốt thì phải khéo tổ chức. Không biết tổ chức thì không biết tiết kiệm.
          Liêm là trong sạch, không tham lam. Liêm phải đi đôi với Kiệm, cũng như Kiệm phải đi đôi với Cần. Có Kiệm mới Liêm được, vì xa xỉ mà sinh tham lam. Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng đều là bất Liêm.
 Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn.Có Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì mới đạt đến Chí công vô tư được.
          Người là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng mà chúng ta phải học tập, noi theo. Với Bác, nói phải đi đôi với làm. Người luôn quan tâm đến cuộc sống của nhân dân. Trong tình cảnh đất nước còn nghèo, đời sống nhân dân còn khó khăn, Người luôn giữ một lối sống giản dị. Tôi không được sinh ra cùng thời với Bác nhưng những tài liệu, hiện vật mà tôi được đọc, được xem tận mắt đã làm cho tôi thật sự cảm phục về vị lãnh tụ vĩ đại của Tổ quốc mình.
          Đạo đức cách mạng đòi hỏi người cán bộ, Đảng viên phải có giác ngộ sâu sắc về lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người có đạo đức cách mạng là ngươi yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, gắn bó mật thiết với nhân dân; lao động cần cù, thông minh sáng tạo, dám nghe dám làm; tiết kiệm trong sản xuất, đời sống, sinh hoạt; không tham ô lãng phí, không chiếm đoạt tài sản của Nhà nước và nhân dân làm của riêng; một lòng một dạ vì sự nghiệp chung của đất nước; gắn lợi ích của bản thân và gia đình với lợi ích chung của đất nước, của cộng đồng. Người có đạo đức cách mạng còn là người có tinh thần quốc tế thủy chung, trong sáng.
Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và tiến hành cải cách hành chính nhà nước, vai trò của đạo đức công vụ là hết sức quan trọng. Do đó, Nhà nước ta đã từng bước xây dựng và hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức trong hoạt động công vụ như: Pháp lệnh cán bộ công chức; Luật phòng chống tham nhũng; Luật khiếu nại tố cáo; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Đặc biệt, ngày 7/11/2006, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 06 – CT/TW về tổ chức cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" . Cuộc vận động đang được sự hưởng ứng nhiệt tình của toàn xã hội.
          Tuy nhiên, hiện nay tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang là một trong những bức xúc lớn cần được nghiên cứu làm sáng tỏ, đặc biệt là trong điều kiện đất nước ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới với nhiều thời cơ, thách thức, yêu cầu phải nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên nhằm đáp ứng với nhiệm vụ cách mạng mới.
          Bản thân tôi đang là một chiến sỹ. Tôi luôn nhận thức được về vai trò, nhiệm vụ của mình đối với đất nước. Vì vậy, trong quá trình học tập tôi luôn phấn đấu rèn luyện theo 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. Bác đã đi xa nhưng mỗi khi nghĩ về Bác tôi lại tự nhủ với lòng mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để góp phần sức mình vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia.
Câu 6:
Cuộc vận động Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động đang được triển khai sâu rộng trong thanh niên cả nước. Sau đây xin nêu lên một số điểm mà thanh niên Việt Nam cần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. 
- Tuyên truyền việc kiên trì học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức cách mạng của Bác. Trọng tâm là đẩy mạnh việc làm theo, bằng cách  mỗi tổ chức và cá nhân cụ thể hoá 5 chuẩn mực đạo đức mà Tỉnh uỷ đã hướng dẫn thành những tiêu chí cụ thể của đơn vị mình, cá nhân mình và đề ra chương trình kế hoạch cụ thể phấn đấu thực hiện thắng lợi  những chuẩn mực đó.
- Tuyên truyền việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập và thực hiện hai tác phẩm "Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu" và "Sửa đổi lối làm việc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nội dung trọng tâm của Cuộc vận động trong năm 2008.
- Tuyên truyền phong trào thi đua học tậo và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, gắn với phong  trào thi đua cách mạng của toàn Đảng, toàn dân nhân kỷ niệm 60 năm Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Hồ Chủ tịch. Thúc đẩy phong trào thi đua thực hiện thắng  lợi mục tiêu kế hoạch Cuộc vận động đề ra.
- Tuyên truyền, giới thiệu, nhân rộng các cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến trong việc thực hiện Cuộc vận động. Đến nay, tập hợp ban đầu toàn tỉnh đã có hàng trăm tập thể và cá nhân điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Cuộc vận động được tiến hành trong suốt cả nhiệm kỳ, chắc chắn sẽ còn nhiều điển hình là những tập thể, cá nhân làm theo tấm gương đạo đức cách mạng của Bác. .......

 * Ghi Chú: Các Đoàn viên, thanh niên căn cứ tài liệu trên, tham khảo tìm hiểu thêm một số tài liệu qua trang tìm kiếm www.google.com.vn để hoàn thiện bài thi nộp cho Đ/c Hải trước ngày 20/4/2009   

                                                                                                                                                                                      BCH CHI ĐOÀN THANH TRA TỈNH

Tập tin đính kèm:
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.034.625
Truy cập hiện tại 268 khách