Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Ý nghĩa của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn ?
Ngày cập nhật 11/08/2010

Trả lời:

Trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, cơ quan, tổ chức. Đó chính là biện pháp nhằm bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, qua đó bảo vệ, khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi bị xâm hại, đồng thời xử lý kịp thời, chính xác, nghiêm minh các hành vi trái pháp luật, thể hiện đúng bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta - Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Thực tiễn cuộc sống cho thấy, phần lớn khiếu nại, tố cáo của công dân nảy sinh từ xã, phường, thị trấn. Là cơ quan quản lý toàn diện kinh tế -xã hội ở cơ sở, Uỷ ban nhân dân cấp xã giữ vai trò, trách nhiệm rất lớn trong công tác này, đòi hỏi phải được giải quyết kịp thời, chính xác, khách quan trên cơ sở quy định của pháp luật. Để hạn chế đến mức thấp nhất những khiếu kiện, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải làm tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ đồng thời không ngừng tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân, thực hiện tốt công tác dân vận, có như vậy mới thực sự gần dân. Khi có khiếu nại, tố cáo phát sinh, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải giải quyết kịp thời, đúng pháp luật sẽ sớm chấm dứt vụ việc, ngược lại nếu không giải quyết ngay, hoặc giải quyết không đúng thì vụ việc sẽ trở lên phức tạp, tiếp khiếu lên cấp trên hoặc phát sinh thành điểm nóng, gây mất ổn định, ảnh hưởng xấu đến sự đoàn kết của cộng đồng dân cư, bỏ lọt tội phạm, thiệt hại về tính mạng, tài sản, danh dự, uy tín… của công dân và Nhà nước. Chính vì vậy mà Uỷ ban nhân dân cấp xã cần hết sức coi trọng và làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở góp phần khôi phục lại những quyền và lợi ích chính đáng của công dân, mặt khác kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật nhằm giữ gìn kỷ cương, trật tự tại cơ sở, tạo lòng tin của người dân vào chính quyền và cơ quan quản lý Nhà nước nơi mình đang sinh sống và lao động, động viên nhân dân tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, thúc đẩy mọi người hoàn thành tốt các nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. Cho nên, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác này và không ngừng đẩy mạnh, nâng cao tính hiệu quả của nó. Ngoài ra, thực hiện tốt công tác này còn giúp các cơ quan Nhà nước kịp thời phát hiện những sai lầm, hạn chế trong hoạt động của mình để uốn nắn, sửa chữa nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, để hạn chế những khiếu kiện, cấp cơ sở cũng cần thường xuyên kiểm tra, xem xét những hoạt động quản lý của mình. Chính vì những lẽ đó, Điều 3 của Luật khiếu nại, tố cáo đã quy định:

“Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm kiểm tra, xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật của mình, nếu thấy trái pháp luật thì kịp thời sửa chữa khắc phục để tránh phát sinh khiếu nại”.

Thực tiễn cũng cho thấy nếu vụ việc xảy ra mà cấp cơ sở kịp thời xem xét và giải quyết đúng chính sách, pháp luật có lý có tình thì người dân đồng tình chấp thuận và chấm dứt khiếu nại ngay từ cơ sở. Nếu cấp cơ sở không giải quyết hoặc giải quyết không đúng thì người dân khiếu nại lên cấp trên, sự việc sẽ trở lên căng thẳng, phức tạp và khó giải quyết. Do đó, đặt ra yêu cầu đối với chính quyền cấp cơ sở là cần phải giải quyết nhanh gọn, dứt điểm, đúng pháp luật không để vụ việc dây dưa, kéo dài hay đùn đẩy lên cơ quan nhà nước cấp trên.

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.047.837
Truy cập hiện tại 676 khách