Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

HỎI - ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG KỲ 15
Ngày cập nhật 17/09/2021

Câu hỏi 29: Việc phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử được quy định cụ thể như thế nào?

 

 

 

 

Đây chính là hoạt động giám sát của các cơ quan quyền lực Nhà nước (Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp). Các cơ quan này có chức năng giám sát hoạt động của bộ máy Nhà nước, đặc biệt là các cơ quan hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định: Giám sát là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Như vậy, thông qua hoạt động này, cơ quan dân cử và đại biểu dân cử có điều kiện phát hiện các hành vi tham nhũng. Điều 59 Luật PCTN năm 2018 quy định:

1. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân thông qua hoạt động giám sát nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì đề nghị Cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Khi nhận được đề nghị quy định tại khoản 1 Điều này, Cơ quan Thanh tra, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phải xác minh, xử lý và thống báo kết quả cho cơ quan, đại biểu đã đề  nghị.

3. Khi nhận được đề nghị quy định tại khoản 1 Điều này, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán hoặc xem xét, quyết định việc kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước và thông báo kết quả cho cơ quan, đại biểu đã đề nghị.

Câu hỏi 30: Việc phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán được quy định cụ thể như thế nào?

Xuất phát từ bản chất thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Mục đích hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Còn Kiểm toán Nhà nước thực hiện chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Đối tượng, lĩnh vực của hoạt động thanh tra, kiểm toán cũng dễ tiềm ẩn các hành vi tham nhũng. Vì vậy thông qua hoạt động này, cơ quan Thanh tra và cơ quan Kiểm toán Nhà nước có điều kiện phát hiện tham nhũng.

Điều 60 Luật PCTN năm 2018 quy định phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán như sau:

1. Cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán có trách nhiệm chủ động phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.2. Trọng phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh, Kiểm toán Nhà nước ra quyết định thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng khi có căn cứ theo quy định của Luật Thanh tra, Luật Kiểm toán Nhà nước.

Phan Thị Lê Hằng

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.034.625
Truy cập hiện tại 270 khách