Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Ban Tiếp công dân ra đời đáp ứng yêu cầu “nóng” của xã hội
Ngày cập nhật 17/07/2014

(ThanhtraVietnam)- Hôm qua 15/7, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức công bố Quyết định thành lập Ban Tiếp công dân Trung ương. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Tại buổi lễ Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Thanh tra Chính phủ trong việc nhanh chóng nghiên cứu đề xuất cho Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân, và chuẩn bị các điều kiện cho việc thành lập Ban Tiếp Công dân Trung ương. Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, tiếp công dân là công việc quan trọng trong các hoạt động của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta, làm tốt công tác tiếp công dân là thể hiện bản chất Nhà nước của dân, do dân, vì dân; việc lập Ban Tiếp công dân Trung ương theo tinh thần của Luật Tiếp công dân là sự kiện lớn, cần thiết, đáp ứng được yêu cầu “nóng” của xã hội.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại buổi làm việc.

Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ phải nhanh chóng phối hợp các cơ quan liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số 64/2014/NĐ-CP để quy định chế độ, chính sách cho cán bộ tiếp công dân; ban hành Quy trình tiếp công dân áp dụng trên phạm vi toàn quốc; xây dựng Quy chế phối hợp tiếp công dân tại trụ sở Tiếp công dân Trung ương giữa 7 cơ quan: Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm mẫu cho các cơ quan địa phương, ngành trong công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo; cán bộ tiếp công dân thường xuyên trau dồi đạo đức, lối sống, chuyên môn, nghiệp vụ, đặt mình vào vụ việc, chu đáo, tôn trọng nhân dân; chuẩn bị, trang bị cơ sở vật chất cho công tác tiếp công dân; đặc biệt phải khẩn trương xây dựng hệ thống thông tin kết nối trong toàn quốc về công tác tiếp công dân.

Tại Lễ công bố Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, hứa sẽ thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao. Đồng thời, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng trực tiếp giao nhiệm vụ cho Ban Tiếp công dân TW quán triệt đầy đủ Luật Tiếp công dân và nghị định có liên quan; xây dựng Quy chế làm việc của Ban tiếp công dân, hướng dẫn các Ban tiếp công dân địa phương thực hiện thống nhất;…

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng.

Luật Tiếp công dân được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2014. Hoạt động tiếp công dân đã được cụ thể hóa thành luật là cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Để Luật Tiếp công dân đi vào cuộc sống, ngày 14/7/2014, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ký Quyết định số 1616/QĐ-TTCP thành lập Ban Tiếp công dân Trung ương, thay thế Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư quy định tại Điều 3, Nghị định số 83/2012/NĐ-CP ngày 9/10/2012 của Chính phủ. Ban Tiếp công dân được thành lập để trực tiếp quản lý Trụ sở tiếp công dân ở mỗi cấp; phối hợp cùng đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức, thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định 64/2014/NĐ-CP.

Trong nhiều năm trở lại đây, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực; pháp luật về tiếp công dân tiếp tục được củng cố và hoàn thiện; việc giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo được tiến hành quyết liệt, thường xuyên đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, kéo dài, vượt cấp vẫn có xu hướng gia tăng; đáng chú ý một số vụ việc có tính chất manh động, quá khích, có sự kích động, hỗ trợ của các phần tử xấu. Hiệu quả công tác tiếp công dân của các cơ quan hành chính nhà nước chưa cao, chưa đạt được yêu cầu đề ra, sự phối hợp trong công tác tiếp công dân của các cơ quan nhà nước chưa chặt chẽ, chưa gắn tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị ; người đứng đầu chưa gương mẫu, tự giác, trách nhiệm trong tiếp công dân, đối thoại với dân;… là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc công dân còn khiếu kiện kéo dài, đông người, vượt cấp lên các cơ quan Trung ương làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị trên địa bàn Thủ đô và ảnh hưởng  nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

 

Luật Tiếp công dân ra đời theo đó Ban tiếp công dân được thành lập thực hiện chức năng, nhiệm vụ cụ thể theo quy định của Nghị định 64/2014/NĐ-CP và các thông tư sắp được ban hành chính là những hành lang pháp lý quan trọng, là cơ sở thuận lợi để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư trong tương lai./.

Q.Vững – K.Dung (www.thanhtravietnam.vn)

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.063.477
Truy cập hiện tại 2.952 khách